TÀI ĂN NÓI ỨNG XỬ VỚI CẤP TRÊN
Trước tiên cần phân loại sếp thuộc dạng nào. Dù chức vụ có cao đến đâu, có quan trọng đến thế nào thì “sếp” của bạn vẫn là một con người bằng xương bằng thịt, không tránh khỏi những ham muốn chung của con người. Và chắc chắn ông sẽ thể hiện “hỉ, nộ, ái, ố” của mình qua tính cách khác nhau ở những trường hợp không giống nhau. Nếu bạn hiểu được tính cách, tâm tư, tình cảm, sở thích,ý muốn của sếp coi như bạn đã nắm được “tóc gáy” của ông ta. Muốn làm được điều này thì bạn phải hiểu rõ sếp của mình thuộc tuýp người nào, rồi mới quyết định mình nên xử sự như thế nào cho phù hợp. Nếu bạn không ý hợp tâm đầu với sếp thì không nên kỳ vọng quá vào con đường danh vọng của mình.
Vậy bạn hãy thử phân loại sếp, rồi lựa cơm mà gắp mắm. Dưới đây là 13 thể loại “Sếp” mà Đạo Hiếu – Đạo làm người góp nhặt được. Hãy đọc qua và hiểu thêm về các cách ứng xử với cấp trên nhé.
- Xem thêm kỹ năng giao tiếp thông minh
1. Sếp nóng nảy
Có những người sinh ra tính tình nóng nảy, họ thường không có khả năng kiềm chế tình cảm, thái độ của mình. Gặp phải những người như vậy, rất có thể bạn bị trách cứ, hoặc quát mắng vì những lí do chẳng đâu vào đâu. Đừng tức giận, đừng chán nản.
Trước tiên, bạn hãy tìm hiểu nguyên nhân khiến bạn rơi vào tình huống khó xử đó. Bạn đã hiểu được thói quen làm việc, thói quen sinh hoạt của sếp chưa? Ông ta thường hay nổi nóng trong trường hợp nào, với đối tượng nào? Liệu có phải sếp đang bực bội điều gì, hay có chuyện gì với sếp? Hay cấp trên lo lắng vì một công việc nào đó của công ty…?
Trả lời được những câu hỏi này và những câu hỏi tương tự, bạn có thể chuẩn bị cách phản ứng và giải quyết khi sự việc tái diễn.
2. Sếp do dự thiếu quyết đoán
Bạn cảm nhận được ý nghĩa thực sự của câu nói “Lòng người khó đoán”. Kiểu cấp trên này sẽ khiến bạn không biết cách nào mà xoay sở, bởi họ thay đổi ý kiến liên tục, lúc này thì thế này,nhưng chỉ một lát sau sẽ lại thế khác.
Quả thực có một số người nhu nhược thiếu quyết đoán, chỉ có điều nó lại hay rơi vào những người làm sếp, có quyền cao chức trọng. Bởi họ hơn hẳn bạn, về mọi mặt. Bởi bạn là cấp dưới mà đã là cấp dưới thì “sếp nói gì phải nghe đó” nên họ chẳng ngại ngần khi thay đổi quyết định. Dù biết rằng làm như vậy sẽ khiến bạn gặp không ít khó khăn, lúng túng.
Nếu rơi vào tình huống trên, tốt nhất là bạn phải tuân lệnh sếp, hãy chuẩn bị tâm lý và các phương án dự phòng khác. Và đừng cầm đèn chạy trước ô tô khi chưa có lệnh của sếp. Ví dụ như phải làm một báo cáo thì bạn hãy cứ chuẩn bị kỹ bản thảo đã. Làm sao để luôn có thể thêm hoặc bớt nội dung theo “chỉ đạo” của sếp. Đó là thượng sách.
3. Sếp lộng quyền
Loại sếp này chỉ tìm cách can thiệp vào công việc của cấp dưới, ngay cả những việc riêng tư của bạn họ
cũng tò mò, xét nét.
Trong hoàn cảnh đó bạn hãy luôn hoàn thiện bản thân, đó chính là vũ khí lợi hại nhất. Và đừng bỏ phí thời gian. Sếp không có quyền can thiệp vào cuộc sống cá nhân của bạn. Tuy nhiên hãy nhớ rằng mục đích bạn phản kháng không phải là gây căng thẳng với sếp trong công việc. Hơn nữa, đừng bao giờ chỉ trích sếp trước mặt những người khác, để tránh những “hậu quả khó lường” sau này.
4. Sếp tự cao, tự đại
Những người luôn thích thể hiện hơn người khác không phải là hiếm. Thật không may khi bạn gặp phải ông sếp như vậy. Tức mà chẳng dám làm gì, ghét mà chẳng dám nói ra.
Nếu bạn là người thông minh, chắc bạn hiểu rằng cứ đối đầu với cấp trên thì hậu hoạ chỉ mình bạn gánh chịu. Thế nhưng, nếu chỉ theo chủ nghĩa “vỗ mông ngựa” (tâng bốc) thì e rằng cũng khó chấp nhận. Phần lớn chúng ta ại cũng muốn mình “ngồi cao” hơn người khác. Thực tế, để làm cho sếp vui lòng không phải là khó, chỉ có điều nếu bạn bợ đỡ sếp một cách mù quáng, thì cũng chẳng đạt được gì. Vì vậy bạn cần tôn trọng sếp, phục tùng cấp trên và nỗ lực công tác là những điều kiện cần phải có của mỗi nhân viên. Nhưng luôn phải gồng mình làm những việc mình không thích thì quả là không dễ chịu chút nào. ..
- Bạn có biết phương pháp dẫn dắt câu chuyện hiệu quả ?
5. Sếp lười biếng, nhác việc
Bạn luôn nỗ lực công tác, cố gắng thể hiện mình với mục đích là gây sự chú ý của sếp. Rất có thể bạn sẽ nhụt chí khi gặp phải một ông sếp lười biếng, nhưng lại thích tranh công, đoạt vị.Và khiến cấp dưới không phục.
Dưới quyền của kiểu cấp trên này, bạn sẽ phải thay ông ta làm tất cả mọi việc từ lớn đến nhỏ. Khi công việc hoàn thành mỹ mãn, ông ta sẽ nhận luôn lấy đi báo cáo cấp trên. Rồi thản nhiên hưởng thụ “mồ hôi, nước mắt” của bạn. Thật khó là bạn không thể vạch trần điều đó trước mặt ông ta, tranh cãi với ông ta, bởi nếu thế bạn càng rơi vào tình thế bất lợi. Để giải quyết vấn đề này, mỗi khi thay ông ta làm việc gì, hãy tìm một người làm chứng. Tất nhiên không phải là công khai mà là như vô tình mà hữu ý. Ví như thực hiện công việc trước mặt cô thư ký chẳng hạn. Mục đích là bạn phải để cho có người biết rõ ngọn nguồn sự việc. Như vậy thì đù là công lao cuối cùng sếp có giành mất, nhưng trong công ty cũng đã có người hiểu được chân tướng thật của ông ta, rồi một đồn mười, mười đồn trăm, khi đó bạn đã có thể đạt được mục đích của mình..
6. Sếp không thấu hiểu cấp dưới
Sếp của bạn là một người quen nịnh trên, nạt dưới, làm việc thiếu trách nhiệm, lại đa nghi. Khiến bạn chỉ biết thầm oán trách, mà không biết phải làm gì.
Vậy làm thế nào để bày tỏ nỗi lòng của mình? Bạn hãy trực tiếp thể hiện thái độ với cấp trên, nhưng trước tiên. Bạn phải hiểu được tính cách của ông ta và dự tính những phản ứng của ông ta khi bạn nói ra suy nghĩ của mình.
Chớ có thổ lộ những điều không hài lòng của mình một cách thẳng thắn đối với người có tư tưởng bảo thủ, dễ tự ái. Mà hãy nhẹ nhàng, khéo léo và mềm dẻo. Nếu như ông ta tương đối thoải mái, sẵn sàng lắng nghe bạn nói, thì bạn nên chọn địa điểm và thời gian thích hợp. Tin rằng bạn sẽ có cách giải quyết ổn thoả.
7. Sếp ưa nịnh
Đặc điểm nổi bật của kiểu người này là rất thích người khác tán dương, tâng bốc mình. Chỉ cần được khen ngợi là mặt mày tươi tỉnh, việc gì cũng dễ cho qua.
Bạn là người ghét a dua nịnh nọt, nhưng hàng ngày phải tận mắt chứng kiến có người vì giỏi “bợ đỡ” sếp mà kẻ thì thăng chức, người được tăng lương, thăng tiến như diều gặp gió, khiến bạn thấy chướng tai gai mắt.
Thiết thực, khen ngợi người khác không phải là một việc khó. Cũng không hoàn toàn là giả dối, xấu xa. Ý nghĩa tích cực của nó là được bày tỏ sự tôn trọng và khâm phục với thái độ chân thành trước những điểm. mạnh của người khác. Mỗi người đều có sở trường, sở đoản riêng. Chỉ cần biết cách che đậy khiếm khuyết, làm nổi bật ưu điểm của họ, bằng những lời nói chân thành, không thái quá là ổn. Như vậy, là vẹn cả đôi đường, vậy tại sao bạn không làm?
Hãy thường xuyên lưu tâm đến hành vi, cử chỉ của cấp trên. Thậm chí là những thứ nhỏ nhất như quần áo, giày mũ… của ông ta, nếu bạn thấy thích hãy biểu thị sự thích thú của mình đối với sếp. Đó đâu phải là nịnh nọt, tâng bốc? Chỉ có điều khi nói sao cho thật tự nhiên, đừng điệu bộ, kệch cỡm, giả tạo.
8. Sếp biết quý trọng người tài
Nếu như sếp của bạn là một người quan tâm, chú ý bồi dưỡng thế hệ sau thì hãy nói rõ kế hoạch, ý tưởng của mình với ông ta trong một khung cảnh hợp… Nếu ý tưởng mới của mình vượt quá phạm vụ chức trách, thì trước tiên, bạn hãy tìm cách nhấn mạnh tầm quan trọng của nó và hứa sẽ quyết tâm thực hiện. Nhưng không ảnh hưởng tới công việc của mình.
Tuy nhiên đừng thể hiện một cách quá tích cực, nếu không sếp của bạn sẽ cho rằng bạn đang tìm cách “vượt mặt” ông ta, và dù kế hoạch có hay đến đâu thì ông ta cũng sẽ tìm cách đập ngay từ đầu. Nếu sếp là một người ‘hẹp hòi, ích kỷ, không muốn ai hơn mình, bạn hãy tạm thời gác kế hoạch đó lại, đợi thời cơ gặp trực tiếp ông chủ và đưa ra ý tưởng của mình, không nên đường đột tìm gặp riêng ông chủ để cấp trên nghi ngờ bạn, hãy tận dụng cơ hội thích hợp, mạnh dạn nhưng thận trọng nói hết ra những ý tưởng mới, của mình trực tiếp với ông chủ.
9. Sếp là người công tư lẫn lộn
Đây là kiểu người thích lạm dụng quyền lực chung riêng lẫn lộn. Bạn thường phải tranh thủ thời gian làm việc riêng cho ông ta, mà không dám nói gì. Điều cần làm là hãy khéo léo từ chối, đừng để cho sếp phật lòng, tự ái nếu không sẽ ảnh hưởng đến tiền đồ của bạn ở công ty. Ông ta không thể ép bạn, nhưng sẽ ngầm tức trong lòng. Và trong trường hợp này chỉ cần bạn làm việc nghiêm chỉnh, không phạm sai lầm, thì ông ta dù có “giận” cũng chẳng thể làm gì bạn.
10. Sếp say việc
Kiểu sếp này sẽ khiến bạn phải nhăn mặt, nhíu mày cả ngày. Bỏi trong con mắt người say việc thì chỉ có làm việc, làm việc và làm việc, đó mới là phương thức sống, và ai cũng nên làm vậy.
Thế nhưng, ngày nào cũng làm việc thêm giờ, cuối tuần, ngày nghỉ vẫn phải đến công sở thì có gì là thú vị. Vậy bạn cần phải làm gì để cải thiện tình hình? Trước tiên, hãy dự đoán khối lượng và trình tự công việc xem liệu có thể thuê người làm hay không?Nếu được thì đó là biện pháp duy nhất giúp bạn giảm gánh nặng. Muốn làm việc này chủ động tìm người thích hợp với công việc đó qua các kênh khác nhau. Sau đó chuẩn bị kế hoạch, báo cáo cấp trên.
Một lần như vậy, hai lần như vậy… nó giống như là bạn đang thị uy với ông ta, cho ông ta thấy một cách làm thông minh hơn. Nếu như ông ta đủ khiêm tốn, yêu người tài, thì ông ta sẽ tiếp thu kiểu làm đó. Ngược lại, là người chủ quan, bảo thủ sẽ nảy sinh phản cảm, nếu vậy, hãy sớm tìm cho mình con đường khác.
11. Sếp cầu toàn
Tôn thờ và theo đuổi chủ nghĩa hoàn mỹ là đặc điểm nổi bật của kiểu người này. Nếu sếp của bạn là người cầu toàn thì thật đáng thương cho bạn. Ông ta sẽ yêu cầu mọi việc đều phải trọn vẹn trăm phần trăm,. Phải phù hợp với tiêu chuẩn mà ông ta đưa ra. Muốn chung sống với kiểu sếp này, bạn nên tham khảo một số ý kiến sau: Khi được giao nhiệm vụ, bạn không thể ứng phó chiếu lệ cho qua chuyện, hãy hỏi cho rõ những yêu cầu của ông ta. Tính chất công việc, thời hạn hoàn thành cuối cùng… Để tránh nảy sinh những hiểu lầm, hãy cố gắng thực hiện nó theo yêu cầu của sếp, đó là cách tốt nhất.
Nếu như cấp trên của bạn là một người chú ý đến cái nhỏ nhất. Thì bạn cần cố gắng tránh phạm phải bất kỳ sai lắm nào. Hãy làm cho sếp tin tưởng bạn thì sau này dù phạm phải những lỗi do vô ý đi nữa, ông ta cũng sẽ không trách mắng bạn quá đáng đâu.
Không nên chỉ nhìn thấy khuyết điểm của sếp, bạn hãy cố gắng phát hiện ra những điểm mạnh của họ để tận dụng những lúc thích hợp.
12. Sếp ngoan cố
Sếp có phải là một người không thể xoay chuyển được không? Dù cho bạn có nỗ lực giải thích với ông ta thế nào về cách làm của mình, ông ta cũng bỏ ngoài tai và yêu cầu bạn phải làm theo cách của ông ta. Chỉ cần hơi trái ý là ông ta lập tức phát khùng, khiến cho bạn luôn trong tâm trạng lo lắng, rối như tơ vò. Thậm chí là chán ngán công việc, và đã nghĩ tới chuyện từ chức để phản kháng, tránh khỏi sự o ép của sếp?
Làm gì để thay đổi được tính bảo thủ của sếp, để ông ta chịu lắng nghe ý kiến của bạn trong mọi việc?
Bạn hãy kiên nhẫn, thử làm từng bước những lời khuyên chân thành sau xem sao. Không nên cho rằng phương pháp làm việc và những kiến nghị của mình nhất định là đúng. Khi nói chuyện với sếp, hãy nói bằng giọng ôn hoà, thái độ khách quan. Khi cần, hãy nhượng bộ. Khi điều kiện cho phép, bạn cố gắng tránh tranh luận căng thẳng với sếp ở công sở. Nên để cuối giờ làm việc, mời ông ta đi uống trà, lúc đó hãy khéo léo nói ra những suy nghĩ của bạn..
Bạn cần chú ý lắng nghe ý kiến của cấp trên, tránh cướp lời ông ta để bày tỏ ý kiến của mình. Rất có thể ông ta có những điều khó nói, bạn nên học cách đặt mình ở vào vị trí của người khác để nhìn nhận và đánh giá. Gạt bỏ mọi thành kiến, đừng lúc nào cũng cho rằng sếp là một người khó tính, hãy cố gắng trở thành một người bạn tốt của ông ta.
13. Sếp thích xen chuyện
Đó là những người thích quan tâm đến tất cả mọi việc lớn, nhỏ, thậm chí còn nhúng tay can dự, khiến cho người phụ trách công việc rất khó chịu. Bề ngoài ông ta tỏ ra rất vô tư, cổ vũ mọi người độc lập, sáng
tạo, phát huy hết khả năng trên từng cương vị. Nhưng thực tế, ông ta là người giật dây đằng sau mọi công việc, giống như người điều khiển con rối sau màn. Ông ta cho rằng cấp dưới chỉ là công cụ để ông ta đạt được một mục đích nào đó. Mọi thứ ông ta đưa ra đều là mệnh lệnh. Nếu bạn là cấp dưới của ông ta, bạn sẽ luôn trong tình trạng căng thẳng, khó có được cảm giác thành công trong công việc.
Bạn muốn hoà hợp với vị cấp trên này ư? Trước hết phải tìm hiểu kỹ nếu việc gì ông ta cũng giao cho bạn nhưng lại quản từng li từng tí tất cả những gì bạn làm thì liệu việc đó đem lại cho bạn chút kinh nghiệm nào không. Bạn có được lợi gì không? Hãy thử thuyết phục ông ta rằng dù làm theo cách của bạn thì kết quả cũng sẽ vẫn tốt đẹp như ông ta mong đợi.
Nếu sếp của bạn là người cố chấp, lại thiếu kiên nhẫn, không bao giờ cho phép cấp dưới sai lâm. Điều đó không hẳn là không tốt, bởi bạn sẽ học được cách làm sao đạt được mục tiêu và xử lý khó khăn từ những con người “cầu toàn” đó. Một khi bạn có thể đáp ứng được yêu cầu nghiêm ngặt của ông ta, thì cũng có nghĩa bạn có nhiều hy vọng cho sự nghiệp.
Nếu bạn thích, hãy đọc thêm những bài về kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh.