Thánh hiền đời trước dạy người chỉ cốt có chữ trung và chữ thứ mà thôi. Trung là cứ thẳng mà làm, đừng có giả dối gian ác; thứ là trong bụng mình muốn người ta làm cho mình điều gì, thì mình làm cho người ta điều ấy. Nghĩa là dạy người ta ở với nhau trong xã hội chỉ cốt có đạo công bằng và lòng nhân ái vậy.
Công bằng là không giết ai, không lấy của ai, không làm mất danh giá của ai, nhân ái là làm phúc, làm đức, bố thí cho kẻ nghèo đói, cứu giúp những người hoạn nạn và bênh vực những người hèn yếu Cái nghĩa vụ lớn của người ta ở trong xã hội cốt có hai điều ấy. Ai theo được hai điều ấy mà ăn ở thì nên được người lương thiện, nhân từ; ai không theo được, thì thành ra gian xảo, độc ác.
Đức Khổng tử nói rằng: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân“: Điều gì mà mình không muốn người ta làm cho mình, thì mình đừng làm cho ai cả. Đạo công bằng chỉ cốt có bấy nhiêu mà thôi. Vậy ta không muốn ai giết ta, thì ta đừng có giết ai; ta không muốn ai lấy của cải của ta, thì ta đừng lấy của cải của ai; ta không muốn ai làm mất danh giá của ta, thì đừng có đi nói xấu nói vu cho ai, để làm mất danh giá của người ta.
Đạo công bằng rõ ràng như thế, chắc là các anh ai cũng hiểu được. Vậy các anh nên theo đạo ấy mà cư xử với mọi người ở trong xã hội.
TOÁT YẾU
——————-
Người ta ở với nhau trong xã hội cần phải có trung, thứ, nghĩa là có đạo công bằng và Lòng nhân ái.
Công bằng là không giết ai, không lấy của ai, không làm mất danh giá của ai. Nhân ái là làm phúc, làm đức, bố thí cho kẻ nghèo đói, cứu giúp những người hoạn nạn, bênh vực những người hèn yếu.
ĐẦU BÀI
————-
- Chuyện một người vị đạo công bằng mà không hại ai bao giờ.