1. BỔN PHẬN MÌNH Ở TRONG XÃ HỘI
Lúc các anh còn nhỏ dại ở trong nhà thì có cha mẹ, anh em, rồi đi học thì có thầy có bạn, đến lúc khôn lớn lên, thì phải giao thiệp với mọi người ở trong xã hội. Vậy nay ra xét xem tại làm sao mà có xã hội, và những bổi phận mình trong xã hội là thế nào.
Trong thiên hạ không thấy người ta ở lẻ loi một mình bao giờ dẫu ở chỗ dã man, người ta cũng tụ hội lại ở với nhau.
Nguyên là tự bản tính người ta ai cũng có lòng muốn quần tụ với nhau, ai cũng cần phải có người nọ người kia để thỉnh thoảng giãi bày những tình riêng của mình, như là lúc vui lúc buồn, sự đau sự giận….
Lại còn một lẽ nữa, là người ta mà ở lẻ loi một mình thì làm thế nào cho có cơm ăn áo mặc, và có nhà cửa mà ở. Rồi lại còn có khi đau, khi ốm, khi gặp những ác thú nọ chực giết hại mình, thì làm sao mà chống giữ được?
Vì những lẽ ấy, cho nên người ta cần phải có xã hội thì mới được yên ổn, sung sướng, và mới có thể tiến hóa lần lên được.
Xã hội có ích cho người ta vì nhiều lẽ. Một là có xã hội thì mỗi người làm một nghề, nghề người nọ có ích cho người kia, khiến cho mọi người có đủ đồ ăn thức dụng. Và có xã hội thì mới có luật phép để bênh vực những sự công bình, trừng trị những đứa gian ác, để cho người lương thiện được yên nghiệp mà làm ăn.
Hai là xã hội có ích cho người ta về đường trí tuệ và luân lý. Ngày nay đã có sự học hành, có văn chương, biết được nhiều điều bí mật của tạo hóa, tìm ra được nhiều cái máy móc tinh xảo là cũng nhờ người nọ người kia chịu khó tìm kiếm sửa sang thì mới nên được.
Về đường luân lý cũng vậy. Có xã hội thì mới có giáo dục, mới phân biệt thiện ác, phải trái, để mở mang lương tâm và luyện tập tính hạnh của người ta. Người nọ làm gương cho người kia, đạy bảo lẫn nhau.
Xã hội quan trọng cho người ta như vậy, thì ta phải biết cho rõ những bổn phận của ta ở trong xã hội phải thế nào để mà cư xử cho phải đạo.
2. NGHĨA ĐOÀN THỂ Ở TRONG XÃ HỘI
Người ta ở trong xã hội thì cũng tựa hồ như người ở trong một chiếc thuyền đi ở ngoài biển vậy. Ở trong chiếc thuyền thì có nhiều người, nhưng mỗi người phải coi một việc: người giữ buồm, người cầm lái, hễ ai bỏ trễ nãi việc gì, thì thuyền không chạy được, mà có khi nguy hiểm đến cả thuyên nữa. Ở trong xã hội cũng vậy, có người làm ruộng, có người dệt vải, có người làm thợ v.v… Người làm ruộng mà không cày cấy, cứ để đất bỏ hoang, thì mọi người không có thóc gạo mà ăn, người dệt vải mà không chăm việc mình, thì mọi người không có áo quần mà mặc, người làm thợ mà lười biếng, không làm đỏ đạc cho khéo, thì mọi người không có đồ đạc mà dùng.
Xem như vậy, người ta ở trong xã hội, là phải giúp lẫn nhau và nuôi lẫn nhau. Sự giúp lẫn nhau và nuôi lẫn nhau như thế, gọi là nghĩa đoàn thể.
Nghĩa đoàn thể thật là quan trọng cho xã hội, vì rằng có đoàn thể thì người ta mới đua nhau mà cố gắng làm lụng, khiến cho loài người càng ngày càng tiến hóa thêm. Bởi có nghĩa đoàn thể cho nên người trong thiên hạ, bất kỳ người ở châu nào, quận nào, cũng có thể thương yêu nhau được.
Đức Khổng tử nói rằng: “Tứ hải chi nội giai huynh đệ”, Người ở trong bốn bể đâu cũng là anh em cả. Ngài dạy điều ấy cốt là khiến mọi người hiểu cái tình thân ái của người ta ở trong xã hội. Người ta đã thân yêu nhau như anh em, thì cái bổn phận của mình ở với nhau cũng phải như là ở với anh em, nghĩa là phải ăn ở cho công bằng và có nhân ái vậy.
TOÁT YẾU
————-
- Tính tự nhiên của người ta là ai cũng muốn quần tụ với nhau. Ai ở lẻ loi một mình thì không có cơm mà ăn, áo mà mặc và nhà cửa mà ở. Vậy nên bao giờ người ta cũng cần có xã hội.
Xã hội có ích cho người ta vì nhiều Lẽ: Một là về đường thực dụng phải có kẻ nọ người kia, mỗi người làm một nghề; phải có luật phép, có chính trị. Hai là về đường trí tuệ và luân lý phải có xã hội thì học thuật, văn chương mới tiến hóa được, việc đạo đức, nhân nghĩa mới phát đạt ra được.
- Ở trong xã hội phải có người làm ruộng, người dệt vải, người làm thợ v.v… để mà giúp lẫn nhau và nuôi lẫn nhau. Sự giúp lẫn nhau và nuôi lẫn nhau như thế, gọi là nghĩa đoàn thể.
Bởi có nghĩa đoàn thể và có lòng thương yêu nhau như anh em, cho nên mới có đạo công bằng và lòng nhân ái.
ĐẦU BÀI
————
- Tả cái tình cảnh một người ở lẻ loi một mình phải khổ sở những gì?