Trong sở thú, mặt nước hồ trong suốt như gương, từng đôi thiên nga trắng tự do bơi một cách an nhàn nhởn nhơ, đôi lúc lại vươn dài cổ cao giọng hót, hoặc vẫy cánh, bước lên bờ tỉa tót dung nhan. Vì sao chúng không bay đi?
Chim bay lượn trong không trung có liên quan đến lực đẩy và lực nâng của sự chuyển vận không khí. Chim có hai kiểu bay: bay chèo và bay lướt. Bất kể loại nào, khi chúng cất cánh đều phải dựa vào sự lắc lư của cánh.
Trên cánh chim mọc đầy lông ống, hình dạng tương đối lớn, xếp ngay ngắn, gọi là lông vũ. Mặt trên và mặt dưới của lông ống còn có lông nệm. Các lông ống sắp xếp như sau: phiến ngoài của mỗi lông ống phủ một phần phía trong của lông kế bên. Khi chim nâng cánh, mỗi lông ống đều xoay quanh trục thân, làm không khí dễ lọt qua khe hở các phiến lông của lông vũ. Khi chim đập cánh, lông xoay trở lại, phủ phiến lên nhau, làm thành tấm rộng cản khí, sản sinh áp lực đối với cánh, đẩy mạnh thân chim hướng lên trên hoặc hướng về phía trước. Vì vậy, lông vũ ở trên cánh chim là công cụ quan trọng trong việc bay lượn của chim. Loài chim không có lông vũ và đà điểu thì không thể bay được. Một số loài khi thay lông, thường có khá nhiều lông vũ cùng rụng một lúc, lúc này chúng tạm thời mất khả năng bay lượn.
Căn cứ vào nguyên lý này, thiên nga hoặc các loài chim khác, sau khi đưa đến vườn thú, trước tiên phải nhổ lông vũ đi, hoặc cắt xương ngón tay của chim non hoặc xương khớp của bàn tay, làm cho lông vũ không có chỗ để mọc. Không có lông vũ, không có sức để vẫy mạnh cánh, thế là chúng không thể bay lên được nữa.