Các nhân viên thăm dò địa chất và các vận động viên leo núi khi ở trên núi cao có thể thấy hiện tượng sau: hơi nước trong nồi nấu cơm bay ra mù mịt đã lâu thế nhưng trong cơm trong nồi vẫn chưa chín. Vì sao lại như vậy?
Chúng ta biết nước cũng giống như các chất lỏng khác, điểm sôi của chúng có liên quan tới áp suất. Áp suất lớn, điểm sôi cao;áp suất nhỏ, điểm sôi thấp. Ở trên núi cao, tuỳ theo độ cao của núi, áp suất của không khí giảm dần khiến cho rất nhiều bong bóng nước nhỏ bão hoà hơi nước được hình thành trong nước khi nhiệt độ nước còn ở dưới 100 độ C. Như thế cũng có nghĩa là nói ở trên núi cao, khi nhiệt độ chưa tới 100 độ C nước đã bắt đầu sôi rồi cho dù bạn có cho thêm lửa, nhiệt độ cũng không thể nâng cao hơn nữa, trừ khi bạn tìm cách tăng áp suất lên thì mới được. Theo tính toán, địa hình cứ cao lên 1km thì điểm sôi của nước đại thể giảm đi 3 độ C.
Đến đây chúng ta đã thấy rõ, nếu như ở trên núi cao 5.000 mét so với mặt nước; biển, thì cho dù bạn đốt lửa rất mạnh hơi nước trong nồi có nghỉ ngút bay ra thì nhiệt độ của nước cũng không vượt quá được 85 độ C. Ở nóc nhà thế giới – đỉnh ngọn núi Chômôlungma (8.848m) ở khoảng 73,5 độ C nước đã sôi rồi. Với nhiệt độ như vậy đương nhiên là không thể nấu được cơm chín.
Thế thì chẳng lẽ ở trên núi cao chỉ được ăn cơm sống thôi? Đương nhiên là không rồi. Người ta đã chế tạo ra nồi áp suất thích hợp cho việc nấu cơm ở núi cao. Nắp loại nồi áp suất này có một trục vít, bên trong có gioăng kín bằng cao su, khi vặn chặt trục vít, nắp nồi sẽ đậy kín nồi không để lọt hơi. Dùng nồi áp suất nấu cơm, hơi nước không có cách nào thoát khỏi nồi, khi nó đạt đến áp suất bằng áp suất khí quyển thì điểm sôi của nước sẽ đương nhiên là như ở dưới mặt đất, có thể nấu chín cơm được.