Bạn đã đến Bắc Kinh chưa? Ở đó có những kiến trúc cổ nổi tiếng với các phòng trang hoàng lộng lẫy, nhất là mái nhà những cung điện lớn mỹ lệ có những mái chìa hơi uốn cong mềm mại ngóc lên ở bốn góc; những viên ngói lưu ly đầy màu sắc dưới ánh mặt trời lấp lánh trông càng tuyệt đẹp.
Bạn có biết những mái nhà chùa cong lên đó có tác dụng gì không? Nhà là để giải quyết vấn đề ở trong đời sống của con người. Làm nhà như thế nào để vững chắc vừa kinh tế mà hữu dụng là yêu cầu cơ bản nhất của kiến trúc. Trong thực tiễn xây dựng các loại hình nhà, tổ tiên chúng ta đã nhận biết được tính chất của các loại vật liệu như gỗ, đá, bùn cát, trong đó gỗ được coi trọng nhất. Việc dùng gỗ để làm cột, đầm tạo thành những kết cấu khung đỡ lấy mái nhà và trọng lượng bên trên đã có lịch sử mấy ngàn năm. Những kiến trúc cổ kết cấu gỗ nổi tiếng như Phật Quang Tự ở núi Ngũ Đài tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) được làm ra từ năm 857, đến nay vẫn hoàn toàn như mới. Dùng gỗ dưới hình thức đầm cột tạo thành những kiến trúc khung đỡ thì trong nhà dễ sắp xếp, vị trí giữa các khoảng cách không bị gò bó mà còn có thể tuỳ ý mở cửa sổ. Cách đây gần một trăm năm đã phát triển thêm khung đỡ thép và khung đỡ bê tông cốt thép.
Nhưng dùng gỗ làm khung đỡ cũng có nhược điểm là dễ bị mục nát. Đấu tranh chống mục nát như thế nào? Người ta, đã nghĩ ra cách xây những bức tường tương đối dày ở phía ngoài các cột, ngoài việc ngăn không cho mưa gió và nhiệt mặt trời xâm nhập vào nhà, đồng thời còn làm cho đầm cột không vì sức gió mà nghiêng đi ảnh hưởng tới an toàn của ngôi nhà. Tuy nhiên, những tường vách bên ngoài xây bằng đất sét tuy đã quét vôi nhưng vẫn không chịu nổi sự xâm thực lâu dài của mưa gió vì thế làm mái chìa ra ngoài sẽ bảo vệ tốt hơn các bức tường. Thế nhưng quy mô các ngôi nhà mỗi ngày một lớn, các bức tường cũng theo đó mà phải xây cao lên, mái chìa ra ngoài cũng càng dài. Mái chìa quá dài tuy bảo vệ được thân tường, nhưng ảnh hưởng tới việc chiếu sáng ở trong nhà.
Ngoài ra để mái nhà chảy hết nước mưa người ta phải làm rất dốc. Thế nhưng mái nhà đốc lại làm nước mưa chảy xiết bắn tung rất xa không có lợi cho chân tường, móng cột.
Làm thế nào mới là thiết kế tương đối lý tưởng? Người ta đã có ý tưởng như sau: mái nhà lý tưởng nhất là phần trên dốc nhiều, phần đưới tương đối bằng phẳng còn phần giữa thì hơi võng xuống. Loại mái nhà như vậy không chỉ chiếu sáng tốt, mà còn để cho nước chảy từ từ bảo hộ được chân tường. Nếu dùng phương thức thoát nước ở cả bốn mặt thì bốn góc nhà tự nhiên phải xây thành hình cong, kết quả là đã sản sinh ra loại mái nhà có mái chìa và trở nên một loại kiến trúc mỹ lệ trang nghiêm.