VÌ SAO KHI XÂY NHÀ PHẢI ĐÀO MÓNG RẤT SÂU?

xây móng nhà phải đào rất sâu

Móng nhà là một trong những bộ phận quan trọng nhất của một căn nhà. Những người làm nghề xây dựng càng hiểu rõ nó. Bạn hãy xem một trong những công trình nổi tiếng thế giới – tháp Pidơ của Italia đã bị nghiêng. Nếu không kịp thời gia cố nền móng, kiến trúc cổ xưa đã có trên 800 năm này có khả năng đổ.

Khi người kiến trúc sư xây dựng nhà cửa họ phải kiểm tra rõ tính chất của các tầng đất xây nền móng. Những đất sét, than bùn, cát v.v. tạo thành tầng đất, mới nhìn qua hình như rất chắc chắn, nhẹ, nếu cứ để nguyên như vậy trực tiếp xây nhà lên thì sẽ sụp xuống, đối với kiến trúc sư mà nói đó đúng là một “hố bẫy”.

Ở một số địa phương có một loại đất hoàng thổ, tầng đất này có rất nhiều lỗ hổng, ở trạng thái khô ráo có thể chịu được áp lực rất lớn, thế nhưng một khi có nước thấm vào là trở nên vô cùng nhão nát, độ chịu nén thấp. Cần phải biết rằng kiến trúc sư không có khả năng bảo đảm cho nền móng không bị nước mưa thấm vào.

Gặp phải những lớp đất xấu như vậy chẳng lẽ lại không xây được nhà? Đương nhiên là không rồi. Nếu lớp đất trên mặt không tốt thì dứt khoát đào vứt nó đi để xây nhà trên lớp đất ở phía dưới tương đối vững chắc. Nếu lớp đất ở dưới cũng không tốt thì phải đóng cọc để tăng cường nền móng. Có mấy loại cọc: gỗ, thép, bê tông… Cọc gỗ đễ mục nát, cọc thép giá thành cao, cọc bê tông cốt thép vừa rẻ vừa đẹp nên sử dụng nhiều nhất.

Tác dụng của cọc là đưa trọng lượng của ngôi nhà thông qua nó truyền tới lớp đất chắc chắn ở dưới đáy cọc. Tác dụng của các loại cọc này giống như trục đỡ, nên còn gọi là “cọc kiểu trục đỡ”. Còn có một loại cọc gọi là “cọc ma sát”, nó dùng bề mặt của cọc và lực ma sát của đất để đỡ trọng lượng nhà.

Do trọng lượng ngôi nhà rất lớn, nên nói chung các cọc đều được đóng xuống rất sâu. Có công trình cần cọc ống thép dài tới 60m, bằng ngôi nhà cao 20 tầng. 

Đương nhiên cũng có thể dùng biện pháp “tiêm để chữa bệnh”, như trong 10 công trình kiến trúc ở Bắc Kinh,  có cái đã dùng thuốc hoá học thông qua đường ống phun xuống đất làm cho đất từ trạng thái tơi mềm biến thành một thể vững chắc, được coi là tầng chịu lực cho công trình kiến trúc. Biện pháp này được gọi là phương pháp gia cố hoá học nền móng. 

Viết một bình luận