Các nhà khoa học từ lâu đã biết màu sắc rực rỡ huyền ảo trên đuôi của con công đực là kết quả của hiện tượng pha màu cấu trúc – sự tương tác giữa ánh sáng với cấu trúc lông đuôi – chứ không phải bởi chính các sắc tố của nó. Song, mãi đến nay, cơ chế chính xác của việc tạo màu này mới được khoa học làm sáng tỏ.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra những chiếc lông đuôi con công đực bằng cả kính hiển vi quang học và kính hiển vi điện tử quét. Họ xác nhận rằng mỗi chiếc lông có một gân trung tâm với các gân nhánh nằm về hai bên. Đến lượt mình, các gân này lại phân chia nhỏ hơn thành những cấu trúc phẳng gọi là lông tơ. Ảnh chụp dưới dưới kính hiển vi cho thấy, bất kể lông có màu gì, tất cả lông tơ đều có những tấm rèm phẳng cấu tạo từ nhiều sợi sắc tố (melanin). Tuy nhiên, số lượng các sợi melanin và khoảng cách giữa chúng không đồng nhất. Chính sự khác biệt này là nguyên nhân gây nên màu sắc kỳ ảo của đuôi con công.
Khi ánh sáng xuyên qua lông con công, những kiểu sắp xếp khác nhau trên tấm rèm sợi sắc tố đã làm phân tán ánh sáng, tạo ra đủ sắc màu rực rỡ như xanh dương, xanh lục, vàng và nâu.