Các cuộc nghiên cứu đã chứng minh rằng trọng lượng của một vật thể là không cố định, có thể thay đổi tùy theo địa điểm.
Trước đây đã từng xảy ra một sự việc như sau: có một nhà buôn mua của những người đánh cá ở Hà Lan 5.000 tấn cá chép đen đem xếp lên tàu rồi chở từ Hà Lan tới thủ đô Môgađisu của nước Xômali gần xích đạo. Đến đó dùng cân lò xo cân lại thấy thiếu mất 30 tấn cá. Ai cũng lấy làm lạ, cá chạy đi đâu? Không có khả năng mất trộm vì trên đường đi tàu không đỗ ở đâu cả. Hao trong khi bốc xếp cũng không thể lớn đến như vậy. Mọi người bàn luận xôn xao nhưng chẳng ai giải thích được điều bí mật đó. Mãi đến sau này người ta mới hiểu rõ được vấn đề. Cá chẳng bị mất trộm, cũng chẳng phải là khâu bốc xếp gây tổn hao mà đó chỉ là do sự xoay của trái đất và lực hút của nó.
Ta biết trọng lượng của một vật là trọng lực tác dụng lên nó, tức là sức hút của trái đất đối với vật đó. Nhưng trái đất tự quay không ngừng sản sinh ra một loại lực ly tâm do quay. Vì thế trọng lực tác dụng lên vật bằng hợp lực của lực hút của trái đất và lực ly tâm đó. Hơn nữa, trái đất là một hình elip hơi dẹp, càng gần xích đạo, khoảng cách giữa mặt đất và tâm trái đất càng lớn, nên sức hút địa tâm cũng nhỏ đi một ít. Vì thế trọng lực thực tế của vật thể phải là lực hút địa tâm trừ đi lực ly tâm do quay theo phương thẳng đứng. 5.000 tấn cá chép đen, từ Hà Lan ở vĩ độ trung bình của trái đất vận chuyển đến Xômali ở gần xích đạo tất nhiên là trọng lượng phải đần đần giảm bớt, không lạ gì khi cân lại đã giảm mất hơn 30 tấn cá.
Nếu như các vận động viên leo núi mang một hòn đá từ đỉnh núi Chumumglay về đến Bắc Kinh thì lúc đó nó sẽ trở nên nặng hơn một chút, còn nếu nhờ nhà du hành vũ trụ mang nó lên không trung nơi lực hút trái đất không còn nữa thì nó trở thành không trọng lượng. Ở đây nguyên tắc đều giống nhau. Thế nhưng bất kể trọng lượng của vật thay đổi như thế nào thì khối lượng của chúng vẫn không thay đổi. Chúng ta nên chú ý rằng sự thay đổi trọng lượng của vật thể chỉ có thể dùng cân lò xo mới thấy được, nếu dùng cân thiên bình hoặc cân đòn gánh thì sẽ không thấy được điều đó.
Dùng tay bưng một vật thể sẽ cảm thấy áp lực, dùng tay kéo một vật thể sẽ cảm thấy lực kéo, chúng ta đều căn cứ vào độ lớn của áp lực hoặc lực kéo đó để biết được độ nặng nhẹ của vật.