Người ta ở đời, thường lắm khi có sự cần kíp hoạn nạn, phải nhờ vả kẻ nọ người kia. Khi mình đã nhờ vả ai thì mình phải biết ơn người ta. Thường những người làm ơn là không mấy người cầu báo, nhưng cái bổn phận của người chịu ơn là bao giờ cũng mong có dịp mà báo đền, bao giờ cũng phải nhớ ơn. Hãy nói những việc nhỏ mọn ở chỗ học đường: hôm nay anh Giáp cho anh Ất mượn quyển sách, giá mai kia anh Ất
có bỏ quên thước kẻ ở nhà, thì anh Giáp phải nhớ ơn mà cho anh Ất mượn thước của mình.
Còn lắm khi mình chịu cái ơn nặng của ai, mà không thể báo đền được, thì mình phải tưởng nhớ luôn đến người làm ơn cho mình, rồi kiếm cách mà làm ơn cho kẻ khác. Thí dụ như người kia thuở nhỏ phải cơn tai biến khổ sở, gặp được người nhân đức cứu vớt, nay làm nên danh phận, mà người ân nhân của mình đã khuất đi rồi, thì bốn phận mình là phải yêu mến người ấy và tưởng nhớ đến người ấy luôn, rồi mình phải làm việc phúc đức, ăn ở nhân từ để tỏ ra là mình không quên người mình đã chịu ơn vậy.
Vả sự biết ơn nghĩa là một cái tư cách tốt của những người có nghĩa khí? không để cho người có lòng tử tế với mình phải hối hận về việc người ta đã : làm ơn cho mình. Người biết ơn đáng yêu đáng quý bao nhiêu, thì người vong ân bội nghĩa® càng đáng khinh bỉ bấy nhiêu. Vậy nên người có giáo dục là không quên ơn ai bao giờ.
-TOÁT YẾU
—————
Khi có ai giúp đỡ mình việc gì thì bổn phận mình là bao giờ cũng phải mong báo đền cho người ta.
Khi mình chịu cái ơn nặng của ai mà không báo đền được, thì phải tưởng nhớ đến người làm ơn cho mình.
Người có lòng biết ơn nghĩa, là người đáng quý, đáng mến vậy.
ĐẦU BÀI
—————-
- Các anh viết một cái thư để tạ ơn một người ân nhân của các anh.