LỄ PHÉP

lễ phép với người già

Lễ phép là một cái tư cách riêng của người khoan hòa nhân ái, nó khiến mình biết tôn trọng mọi người trong sự giao thiệp ở đời. Lễ phép cốt phải giữ gìn ý tứ trong sự nói năng và sự cử chỉ của mình thế nào cho ai trông thấy cũng vừa ý và thỏa lòng.

Ở đời, người ta thường xem cái dáng điệu và sự cử chỉ của mình mà xét đoán mình là người hay, hay là người dở. Vậy nên những người có giáo dục, bao giờ cũng phải lấy lễ phép làm trọng. Cũng bởi thế cho nên thánh hiển đời trước dạy người ta rằng: “Tiên học lễ, hậu học văn”, trước phải học lễ, rồi sau mới học văn. Người đi học mà không có lễ phép, là một người vô hạnh, ai cũng chê cười.

Lễ phép cốt phải tỏ ra bề ngoài. Như khi mình gặp người bề trên mình, người thân hào, hoặc người già nua tuổi tác, thì mình phải tránh cho người ta đi, hoặc gặp chỗ đường hẹp thì mình đứng lại để nhường, người ta đi trước.

Khi mình gặp người ta thì phải chào hỏi cho tôn kính. Nếu mình đội mũ thì phải ngả mũ, nếu đội khăn thì phải chắp tay mà vái.

Lúc nói chuyện với người bề trên, thì tay chân phải cho nghiêm trang và phải thưa, bẩm, uâng, dạ cho phân minh, cho phải là con nhà có giáo dục.

Khi ngồi chuyện trò, thì phải giữ gìn ý tứ, đừng có khoe khoang cái tài cái giỏi của mình. Mình khoe khoang như thế, thường làm cho những người thua kém, phải hổ thẹn, mà những người có tính sai kị” thì hay mất lòng. Lỡ có ai nói điều gì trái ý mình, thì mình đừng làm ra bộ giận dỗi. Lúc người ta đang nói, thì mình chớ nói tránh người ta, phải để cho người ta nói đứt câu, rồi sẽ nói. Có ai nói chuyện với mình, thì đừng làm ra bộ mình không muốn nghe. Khi có người nọ người kia, thì đừng ghé vào tai kẻ khác mà nói thầm, hay là khi người ta nói thảm thì đừng để tai nghe. Khi có điều gì vui, thì đừng

cười rú lên. Ai có tàn tật thì mình chớ nói đến những chuyện mà người ta có thể động lòng. Khi đi ăn uống ở đâu, thì đừng tranh ngồi chỗ tốt, chớ tham chọn miếng ngon và miếng to.

Đại khái, lễ phép là đối với người trên thì phải tôn kính, đối với kẻ bằng vai phải lứa thì phải hồn hậu, đối với kẻ dưới thì phải ôn hòa tử tế, nghĩa là phải cư xử thế nào cho nho nhã, đừng thô tục, chớ kiêu căng, điều gì cũng lấy sự thành thực làm đầu, chứ không theo cách giả dối ở bề ngoài.

TOÁT YẾU

————-

Lễ phép là một cái tư cách riêng của người khoan hòa nhân ái, nó khiến mình biết giữ gìn ý tứ trong sự nói năng và sự cử chỉ cho mọi người ai cũng vừa ý và thỏa Lòng.

Lễ phép phải tỏ ra bề ngoài. Gặp người bề trên thì phải tránh một bên, phải ngả mũ hay là chắp tay vái. Nói chuyện thì chân tay nghiêm trang, và phải thưa, bẩm, vâng, dạ, phân minh.

Ngồi chuyện trò thì phải giữ ý, giữ tứ cho không mất lòng ai. Khi đi ăn uống, thì phải giữ cho khỏi tỏ ra mình là người thô tục.

 ĐẦU BÀI

————–

  1. Chuyện một người học trò có lễ phép, ai cũng khen.

Viết một bình luận