1. SỰ ĐI HỌC
Các anh nhà có cha mẹ nuôi cho mỗi ngày một khôn lớn lên và dạy bảo cho biết ăn biết nói, như thế đã là mất nhiều công phu lắm, nhưng làm người cần phải biết cách ăn ở, biết làm công kia việc nọ và hiểu mọi lẽ về các sự vật. Nếu cứ ở nhà với cha mẹ thì không sao học tập được như thế. Là vì ở nhà thường cha mẹ mình học hành ít, không có thế dạy được mình đủ mọi điều. Cũng có khi thì cha mẹ mình là người có học thức, nhưng phải bận công bận việc, không có thì giờ mà dạy mình được. Bởi vậy cho nên cha mẹ các anh cho các anh đến học đường cho có thầy, có bạn, có đủ mọi điều để dạy bảo các anh sự nọ vật kia, đường khôn lẽ phải, để ngày sau các anh lớn lên thành người khôn ngoan có đức hạnh,
2. BỔN PHẬN MÌNH PHẢI ĐI HỌC
Cha mẹ các anh đã chịu tốn kém cho các anh đi học như thế, thì không những là cái lòng hiếu của các anh bắt các anh phải chăm chỉ mà học hành, để cho cha mẹ vui lòng mà thôi, lại là một cái bổn phận rất khẩn yếu của mình nữa. Bởi sao thế? Bởi vì sự học có thể làm mở mang cái trí tuệ của mình ra và có thể làm cho cái phẩm giá của mình cao lên, nói tóm lại là có sự học thì người ta mới là người được. Bởi chưng người
không có học thì đẫu có làm nên chức phận gì, hoặc là có nhiều của cải đến đâu, cũng vẫn là người thô lỗ, tâm tính hèn hạ, không đủ tư cách làm một người hoàn toàn được. Vì vậy cho nên ai có thể học được mà không học, là người ấy không làm cái bổn phận của mình.
3. SỰ ĐI HỌC CÓ ÍCH LỢI
Sự học là một sự rất có ích lợi cho mình. Bởi vì có đi học thì mới biết đọc, biết viết, biết tính toán. Thí dụ như nhà anh Ất có người bác đi vắng đã lâu ngày gửi thư về hỏi thăm nhà. Nhưng nhà bác ấy không có ai đi học cả, khi tiếp được thư, không biết là thư của ai Và có chuyện gì, phải sang chờ cho anh Ất đi học về, để nhờ anh ấy xem thư giùm và viết giùm thư trả lời, Giả sử không có anh Ất là con cháu trong nhà biết đọc biết viết thì tất phải đi nhờ người ngoài, có phải là một điều phiển lụy cho mình không?
Lại có khi mua cái nọ, bán cái kia, nếu không biết tính toán thì làm thế nào mà tránh cho khỏi sự lầm lỗi và thiệt hại được?
Ấy là chỉ nói những sự ích lợi trước mắt mà thôi;còn nhiều sự ích lợi khác quan trọng hơn nữa, như là có đi học thì mới biết phép vệ sinh để giữ mình cho khỏe mạnh, mới hiểu được việc canh nông, việc công nghệ và việc buôn bán thế nào là lợi, thế nào là hại. Đến những người đi làm thuê làm mướn mà có học, thì cũng không đến nỗi phải làm nghề hèn hạ đê tiện.Thế có phải sự học ích lợi cho mình vẻ đường thực dụng biết là đường nào?
Đi học lại có lợi cho mình về đường trí tuệ và đạo đức nữa. Là vì có học mới hiểu được các cái hiện trạng ở trong trời đất, mới biết ngắm những cái cảnh tượng đẹp đẽ của tạo hóa, có học thì mới biết xem những sách vở của thánh hiển và mới biết thích vẻ những cái xảo kỹ của những bậc tài trình bày đặt ra. Nhờ có sự học cho nên mình mới được hưởng những cái thú vị riêng nó làm cho trí tuệ của mình sáng sủa ra và tính tình của mình càng ngày càng tao nhã hơn lên vậy.
4. SỰ CHĂM HỌC
Sự đi học quan trọng cho người ta lắm, cho nên ai đã nhờ cha mẹ nuôi cho ăn đi học như các anh đây, thì cũng phải chịu khó học hành cho chóng tấn tới. Hễ lúc còn nhỏ mà lười biếng bỏ mất thì giờ, thì rồi đến lúc lớn lên thành ra người ngu đốt không làm được gì ra trò. Bởi vậy các anh phải chăm chỉ, đừng hơi có một tí gì cũng lấy cớ mà nghỉ học. Các anh phải hiểu rằng ngày giờ là vàng ngọc, hễ mình làm phí đi ngày nào giờ nào,
là thiệt cho mình ngày ấy, giờ ấy, chứ không bao giờ lại tìm thấy được nữa. Chỉ trừ ra lúc nào đau yếu, hay là trong nhà có việc gì cẩn cấp lắm thì ta hãy xin phép nghỉ, chứ không thì đừng có buổi đi buổi không mà thiệt hại cho sự học của mình. Đi học mà bỏ mất một buổi thì những bài của mình học đứt mất một quãng, thành ra sự học của mình khó thêm ra, mà cứ thế mãi thì rồi mình cũng thành ra nản không muốn học nữa.
5. ĐI HỌC PHẢI ĐÚNG GIỜ
Người học trò chăm học thì ngày nào cũng có ở nhà học, mà bất kỳ trời mưa trời nắng thế nào, hễ đến buổi học, ông thầy vào lớp là đã có mình ở đấy rồi, chứ không chậm trễ bao giờ.
Trường học đã có ngày có giờ nhất định, đến buổi trống đánh xong, là mọi người phải ngồi lặng yên mà nghe thầy giảng bài. Lỡ ai đến chậm thì làm ngăn trở sự giảng dạy của thầy, và làm phiền cho anh em trong lớp phải xê đi xích lại, mất cả thì giờ. Bởi thế cho nên người học trò nào hay đi chậm, là người học trò xấu, mà thường là phải phạt luôn.
Các anh lại phải biết rằng sự đúng giờ đúng hẹn, là một sự rất quan trọng? cho người ta ở đời. Nên lúc mình còn nhỏ đi học mà không giữ đúng hẹn cho quen, thì đến khi lớn lên, mất nết đi, thành ra người chếnh mảng, không có mực thước gì cả.
6. SỰ CHÚ Ý
Học trò đi học phải chăm học và phải đi cho đúng giờ. Nhưng ngày nào cũng vào ngồi ở lớp học mà bụng vẫn để ở chuyện gì đâu đâu, ông thầy nói gì, cũng không hiểu cả, thì cái sự chăm và sự đi đúng giờ có ích gì không?
Sự học mà có ích lợi, cốt ở sự chú ý, Chú ý là phải để tâm vào những điều mình học. Tai nghe ông thầy giảng điều gì, thì cố hiểu cho rõ mọi lẽ về điều ấy. Làm bài và học bài cũng vậy, trong buổi học là không lúc nào để trí vào chuyện chơi bời đùa nghịch gì cả.
Học mà “tâm bất tại” là người ngồi ở lớp học, mà bụng thì tưởng đến con trâu ở dọc đường, hay là cuộc đá cầu ở ngoài sân, thì dẫu có học cũng như không, và chỉ uống công, mất thì giờ mà thôi, chứ có được việc gì.
Các anh đã đi học thì phải cố gắng mà nghe lời thầy dạy và hết lòng hết sức mà học tập cho chóng thành công hiệu. Người học trò có ý tứ và chăm chỉ về sự học, thì ngày sau có làm điều gì cũng chu trí cần thận thành một người có phẩm hạnh vậy.
7. SỰ HỌC VẤN VÀ SỰ GIÁO DỤC
Các anh phải biết rằng sự học là quý, mà ai cũng cần phải đi học, nhưng đi học mà chỉ vụ lấy biết đọc, biết viết, biết làm văn, làm bài mà thôi, chứ không cần đến sự luyện tập tâm tính, đi học như thế, có hợp lẽ không?
Sửu là người chăm học, bài vở làm tốt, nhưng mà vô lễ vô phép, ở trường học thì lừa thầy dối bạn, làm lắm điều nghịch ngộ, vẻ nhà thì cha mẹ sai bảo gì cũng không được, ở với anh em thì không biết nhường nhịn, chỉ đánh nhau cãi nhau luôn. Ai cũng bảo là đứa trẻ mất dạy.
Lễ cũng đi học một lớp với Sửu, nhưng Lễ thì có phép tắc, đi học thì chăm chỉ và có ý tứ, về nhà thì yêu kính cha mẹ, hòa thuận với anh em. Ai cũng khen là một đứa trẻ có nết na.
Hai người ấy cùng đi học với nhau và cũng học như nhau mà một người thì có nết na, một người thì tính nết xấu xa, là tại làm sao? Tại là một người có giáo dục và một người không có giáo dục.
Vậy thì giáo dục là thế nào? Các anh xem chuyện Sửu và Lễ thì có thể hiểu được ít nhiều về sự giáo dục. Sự giáo dục là nói chung cả mọi cách dùng để mở mang trí tuệ, luyện tập tính tình và gìn giữ thân thế, khiến cho đứa trẻ lớn lên có đủ tư cách làm một
người hoàn toàn ở trong xã hội. Sửu kia đi học chỉ biết tập làm văn, làm bài, nghĩa là chỉ tập cái nghề làm học trò, chứ không tập cái nết của học trò. Nó chỉ cần biết những điều không biết, chứ không cần biết những điều phải trái để mà sửa sự ăn ở cho hợp lẽ đạo đức.
Sửu có học mà không có hạnh. Lễ có học và có hạnh, cho nên Sửu không bằng Lễ được.
Các anh phải biết rằng sự đi học là sự rất quan trọng cho người ta, nhưng học thì cần phải mở mang trí tuệ và luyện tập tính hạnh, thì mới thành được người có học vấn và có giáo dục vậy.
TOÁT YẾU
- Cha mẹ ở nhà, hoặc vì học hành ít, hoặc vì bận công bận việc, cho nên phải cho con đi học ở học đường.
- Sự đi học là cái bổn phận của mình, bởi vì có đi học thì cái trí tuệ của mình mới mở mang ra và cái nhân phẩm của mình mới cao lên. Người không có học thì giàu sang đến đâu, cũng vẫn là người thô lỗ, không đủ tư cách làm người hoàn toàn.
- Sự đi học là một sự có ích lợi cho mình, về đường thực dụng, đường trí tuệ và đường đạo đức, vì có đi học thì mới biết được mọi nghề và mình lại được hưởng những cái thú vị cao thượng.
- Đi học thì phải chăm chỉ, đừng để mất thì giờ. Trừ ra lúc nào đau yếu, hay là trong nhà có việc cần cấp thì mới xin phép nghỉ còn thì bao giờ cũng phải có ở trường học luôn.
- Đi học thì phải cho đúng giờ, đừng đi chậm trễ mà làm ngăn trở sự giảng dạy và làm phiền anh em bạn trong lớp.
- Sự học cốt ở sự chú ý. Có chú ý thì học mới hiểu và mới có tiến bộ được.
Người học trò có ý tứ và chăm chỉ thì ngày sau làm việc gì cũng chu trí cẩn thận, trở nên một người tốt vậy.
- Sự học vấn mà không có sự giáo dục thì thành ra người có học mà không có hạnh. Sự học vấn mà có sự giáo dục, thì là người có học và có hạnh.
Sự giáo dục là nói chung cả mọi cách dùng để mở mang trí tuệ, luyện tập tính tình và gìn giữ thân thể, khiến cho người ta có đủ tư cách làm người.
ĐẦU BÀI
- Nói chuyện một người không biết đọc và không biết viết thiệt hại là thế nào?
2.Tả cái vui thú của một người có học ngồi xem sách.
- Các anh kể chuyện một người đi học đến chậm, làm phiền cho anh em trong lớp học.
- Học mà không có ý tứ thì thiệt hại tà thế nào?