1. CỦA CẢI CỦA NGƯỜI TA
Của cải là những vật của cha mẹ mình cho mình hay là của mình mất công phu mà làm ra được. Thí dụ như các anh đây, anh nào cũng có cái quản bút, mấy quyển sách quyển vở, giấy, mực v.v… Những đồ ấy là của cha mẹ các anh cho các anh, thì là của các anh.
Ngày sau các anh lớn lên, làm lụng ra được cái gì, thì cái ấy là của các anh. Thí dụ như anh Giáp thấy có một đám đất bỏ hoang, không phải là của ai cả. Anh ấy đi phá những gai góc đi, rồi mất công cày bừa làm thành ra đám ruộng. Đám ruộng ấy là của anh Giáp.
Anh Ất kia đi làm thợ, để dành được tiền, mua một cái nhà. Cái nhà ấy là của anh Ất.
Đã là của mình thì không ai có quyền lấy đi được.Như ở trong học đường này mà anh Tí ăn hiếp anh Sửu để lấy sách của Sửu, thì ông thầy phạt Tí. Ở trong xã hội mà người nọ ăn hiếp người kia để lấy của cải của nhau, thì có luật phép phạt người có tội. Vì lấy của cải của người ta là một điều không công bằng.
Vật gì đã là của mình thì mình muốn làm gì cũng được. Hoặc là mình để cho con cái mình, hoặc là đem cho ai, hoặc là đem bán đi để lấy tiền mà tiêu dùng việc khác, việc ấy tùy ý mình, chứ không ai ngăn cấm được.
Nhưng ta phải biết rằng những của cải của mình, tuy là bởi công phu của mình làm ra, nhưng bao giờ cũng có một phần công phu của người khác ở trong phản của ấy nữa. Thí dụ như thế này thì các anh hiểu rõ: Thửa ruộng kia là của anh Giáp, nhưng cũng nhờ có sông, có ngòi của người ta đã đào sẵn ở bên cạnh, thì ruộng của anh ấy mới tốt. Cái nhà này là của anh Ất mua, nhưng cũng nhờ có thợ mộc, thợ nề xây lên, thì anh Ất mới có nhà mà mua.
Vậy ở trong xã hội, bất kỳ mình làm ra được vật gì, tuy là của mình làm ra thật, nhưng cũng có ít nhiều công phu của người khác nữa. Bởi thế cho nên khi mình nhờ trời làm nên giàu có sang trọng, mình phải nhờ đến những kẻ đồng bào với mình. Mình càng có nhiều của cải bao nhiêu, mình lại càng nên thương những người nghèo khổ phải làm lụng vất vả bấy nhiêu, như thế mới hợp đạo công bằng vậy.
2. TRỘM CẮP
Bởi có sự làm lụng, có mất công phu thì mới được cái quyền có của. Vậy của cải của người ta là phải trọng, mình không được dùng cách gì mà lấy của ai bao giờ. Hễ ai làm việc gì trái đạo công bằng mà lấy của cải của người ta, thì gọi là ăn trộm, ăn cắp.
Trộm cắp có nhiều thứ: có thứ đêm hôm vào nhà người ta phá rương phá tủ ra mà lấy, có thứ lập mưu lập kế để lừa đảo người ta, có thứ đi buôn gian bán lận, có thứ chiếm giữ đồ đạc của người ta gởi, có thứ bắt được của rơi không trả lại, có thứ ỷ mình có quyền thế đi ức hiếp người ta để lấy tiền lấy của. Những đứa làm những điều ấy mà lấy của người ta, thì dẫu thế nào cũng là đứa ăn trộm, ăn cắp, không có luật phép nào dung túng cả. Các anh phải nhớ rằng bất kỳ vật gì, của người ta làm mỏ hôi nước mắt, mình đừng có đem lòng tham lam mà chực lấy không, vì rằng lấy không của người ta, là một sự rất trái đạo công bằng vậy.
TOÁT YẾU
——————–
- Của cải là những vật của cha mẹ mình cho mình, hay là của mình mất công phu mà làm ra được. . Của cải của mình thì mình để cho con cái mình, hoặc cho ai, hoặc bán đi, việc ấy tùy ý mình, không ai ngăn cấm được.
Nhưng mà những của của mình làm ra, thường cũng có ít nhiều công phu của kẻ khác nữa. Vậy nên khi ta có của, ta cũng nên thương đến những kẻ nghèo đói phải làm Lụng khổ sở.
- Ai làm việc gì trái đạo công bằng mà lấy của cải của người ta, thì gọi là ăn trộm, ăn cắp. Trộm cắp thì có nhiều thứ nhưng bất kỳ thứ nào, hễ ai đã làm sự ăn trộm, ăn cắp thì luật phép cũng trừng trị rất nghiêm.
ĐẦU BÀI
———–
- Một đứa ăn cắp, người ta bắt được, phải phạt là tại làm sao?