Đạo Lý Đối Với Người Quen, Bạn Hữu

đạo lý đối với người quen đạo hữu

Nhà ai thì cũng có người quen thuộc thường hay đi lại. Những người ấy hoặc là người quen bạn hữu thân thiết với cha mẹ mình, hoặc là người có ân nghĩa gì với nhà mình cho nên người ta đi lại chơi bời với cha mẹ mình. Mình là con nhà có giáo dục thì cần phải giữ lễ phép mà đối đãi với những người ấy cho phải đạo. Vả chăng tục ta hay trọng tình bạn hữu, có lắm người chơi với nhau xem như anh em ruột thịt vậy. Bởi thế cho nên con anh em bạn thường gọi người bạn của mình bằng bác hay là bằng chú, tùy tuổi người ấy đối với cha mình hơn hay là kém, ấy là đủ biết rằng những người bạn hữu với nhà mình cũng thân thiết như người trong nhà trong họ vậy. Cách tôn kính người quen thuộc nhà mình là trước hết phải giữ lễ phép. Đi ngoài đường gặp thì ta phải chào hỏi cho nghiêm trang. Người ta có hỏi chuyện thì ta đứng lại mà nói, chờ cho người ta đi rồi mình hãy đi. Khi người ta vào nhà mình thì phải chào hỏi, rồi mời ngồi tử tế. Nói điều gì phải giữ ý giữ tứ, đối đáp phân minh, đừng có nói to tiếng và cười ha hả. Lúc nói năng không nên múa tay múa chân mà trông dơ dáng khó coi.

Khi có khách đến nhà, thì phải đội khăn mặc áo cho chỉnh tẻ, đừng có lôi thôi lướt thướt, đừng để đầu bù lên, mà người ta cười là con nhà vô phép.

Lễ phép là một sự rất quý trong sự giao thiệp?, bao giờ ta cũng lấy làm trọng mới phải.

TOÁT YẾU

—————–

Mình phải giữ lễ phép mà đối đãi với những người bạn hữu và quen biết nhà mình.

Đi ngoài đường gặp người quen thuộc nhà mình thì phải chào hỏi cho có lễ phép. Khi người ta vào nhà mình thì phải tiếp đãi một cách tôn kính. Nhà có khách đến thì phải đội khăn mặc áo cho chỉnh tề, đừng để đầu bù lên mà thành ra vô phép.

ĐẦU BÀI

————-

  1. Vì nghĩa gì mà con cái ở trong nhà phải tôn kính những người thân thiết với cha mẹ?

Viết một bình luận