TRÍ TUỆ
Trí tuệ của người ta là để hiểu biết mọi sự vật. Trí tuệ là một phần rất quý của người ta. Vì rằng có trí tuệ thì người ta mới biết tìm cách để may áo mà mặc, làm nhà mà ở, rèn dao rèn rựa mà dùng. Vì người ta có trí tuệ hơn muôn vật, cho nên dẫu có những giống vật khỏe mạnh hơn người, nhưng cũng bắt phải làm việc cho người. Cũng nhờ có trị tuệ cho nên người ta mới biết học hành, lập ra các sự học vấn và các nghề mỹ xảo, và lại biết phân biệt được điều thiện điều ác.
Trí tuệ quý như thế, mà người ta ai cũng có cả, cho nên ta phải hết sức mà rèn tập, để mở mang trí tuệ,khiến cho thành được người khôn ngoan và có phẩm hạnh.
SỰ PHÁN ĐOÁN
Người ta rèn tập trí tuệ là để mà phán đoán cho đúng sự thực nhưng vì sự thực thì thường hay ẩn khuất khó hiểu, mà người ta thì hoặc vì sự yêu ghét, sự tài lợi, hay là vì sự không biết phân biệt điều thực điều giả, cho nên thành ra sự phán đoán của mình sai lầm. Thí dụ như khi mình yêu ai thì mình tưởng là người ấy làm điều gì cũng phải, mà mình đã ghét ai thì dẫu có làm điều phải, mình cũng cho là trái,, hoặc là vì điều ấy lợi cho mình thì mình bảo là hay, điều kia hại cho mình thì mình bảo là dở.
Các lẽ làm cho mình phán đoán sai lần nhiều như thế, cho nên ta phải biết mà giữ gìn, và khi mình xem xét thì điều gì phải cẩn thận,đừng có vội vàng nóng nảy mà sai lầm.
SỰ NÓI DỐI
Người nói dối là người dùng lời nói trái với sự thực để làm sự giả dối.
Người ta nói dối là thường bởi những lẽ như là vì nhát sợ, vì tham lợi hoặc vì muốn khoe khoang kiêu ngạo. Thí dụ như người kia, đã lỡ ra làm điều gì không phải, nhận lấy thì sợ phải phạt mắng, bèn tìm cách mà chối đi hoặc đổ oan cho người khác, ấy là vì nhát sợ mà nói dối. Có người vì muốn làm điều gì phi nghĩa để lấy lợi cho mình mới nói dối mà đánh lừa người ta, ấy là vị lợi mà nói dối. Có người vì tính hay khoe khoang kiêu ngạo mà nói dối, để khoe ta là người giàu có , hoặc là ta bạn bè với những người có quyền thế.
Dẫu sự nói dối bởi lẽ gì mặc lòng, bao giờ cũng là sự rất hèn hạ. Vì rằng trời cho ta cái trí tuệ để mà nhận biết sự thức, nếu ta đem cái trí tuệ mà làm những việc trái với sự thực, chẳng hóa ra mình làm để hạ cái phẩm giá của mình hay sao? Bởi vậy bao giờ ta cũng phải lấy sự thành thực mà khiến sự ăn ở của mình.
SỰ KÍN ĐÁO
Tính kín đáo là cái tính tốt của những người cẩn thận, nói điều gì thì nghĩ trước nghĩ sau chín chắn, rồi có nên nói mới nói, chứ không hay nói bậy, mà nhất là khi ai đã có lòng tin caayj mình và trao gởi cho mình những chuyện quan trọng cần phải giữ cho kín, thì thế nào mình cũng không hở ra với ai bao giờ.
Sự kín đáo lại có khi là cái bổn phận của mình. Như là khi có giặc, mình không được đem chuyện nước mình mà nói thật với giặc, hoặc khi có chuyện gì quan hệ đến nghề nghiệp của mình, như là làm thầy thuốc, hay là thầy kiện, thì không được đem chuyện người có bệnh hay là việc người đi kiện mà nói hở ra cho người khác biết.
Thầy Tử Cống nói rằng :” Người quân tử nói một lời đủ biết là người khôn, nói một lời đủ biết là người dại. Cho nên nói điều gì cũng phải giữ gìn cẩn thận”. Ta nên biết rằng sự nói thật không phải là gặp điều gì nói điều ấy, nhưng phải tùy từng việc, tùy từng lúc. Có việc không nên nói thì không nói, không nói những điều mình biết, không phải là nói dối.
SỰ KHÔN NGOAN
Người ta làm công việc gì mà biết cân nhắc phải trái hay dở, để cho khỏi hư hỏng và không thiệt hại, thì gọi là khôn ngoan
Sự khôn ngoan là cái đức tính riêng của trí tuệ, khiến mình bao giờ cũng biết chọn lấy điều hay điều lợi mà làm chứ không nhắm mắt làm liều.
Nhưng ta phải biết răng sự khôn ngoan không phải chỉ vì lợi mà thôi, lại cần phải vì nghĩa nữa. Thí dụ như việc kia tuy lợi cho mình, nhưng nó làm mất cái phẩm giá của mình hoặc là nó trái với cái nghĩa vụ của mình thì dẫu thế nào mình cũng không làm. Người khôn ngoan là người cẩn thận , biết nghĩ trước nghĩ sau, làm việc gì không đến nỗi hư hỏng. Ấy là một sự rất hay cho người ta vậy.
SỰ THÀNH THỰC
Thành thực là trong bụng mình nghĩ làm sao thì cách ăn ở của mình ở ngoài cũng vậy, từ lời nói cho đến việc làm, lúc một mình đối với mình cũng như lúc đông người đối với kẻ nọ người kia, không có giả dối chút nào.
Đức Khổng tử nói rằng: “Thành kì ý giả vô tự khi dã”. Nghĩa là giữ cho cái bụng mình được thành thực trong sạch, ấy là mình không dối mình. Vậy sự thành thực làm cho tôn cái phẩm giá của mình lên. Bởi vậy người ta cần phải lấy sự thành thực làm trọng. Dẫu mình có điều gì dở, mình cũng không làm cách giả dối mà che đi, hoặc có điều gì hay mình cũng không phô trương ra cho đến nỗi trái với lẽ phải. Cách đối đãi với mọi người thì cốt lấy lòng thật thà trung hậu, chứ không có điên đảo dối trá bao giờ.
TOÁT YẾU
—————-
- Trí tuệ là để hiểu biết mọi sự vật. Trí tuệ có mở mang ra thì mới biết phân biệt điều lành điều dữ, bởi vậy trí tuệ rất quan hệ cho luân lý.
- Sự thực thì thường hay khuất khúc khó hiểu, mà người ta thì hoặc vì sự yêu ghét, hoặc vì tài lợi làm cho sự phán đoán của mình sai lầm.
Vậy ta phải giữ gìn và rèn tập trí tuệ để phán đoán cho đúng sự thực.
- Người ta nói dối là thường bởi nhát sợ, tham lợi, hay là muốn khoe khoang, kiêu ngạo. Sự nói dối bao giờ cũng là sự rất xấu
- Tính kín đáo là nói điều gì cũng nghĩ trước nghĩ sau rồi mới nói, chứ không nói bậy
Khi ai dặn mình điều gì kín, mình không hở ra với người khác. Việc gì thuộc về nghề nghiệp của mình mà mình phải kín, thì mình cũng không nói cho ai biết.
- Sự khôn ngoan khiến cho ta biết cân nahwsc phải trái, hay dở, để làm việc gì không hư hỏng. Sựu khôn ngoan không phải vì lợi mà thôi, lại có vì nghĩa nữa.
- Thanh thực là trong bụng mình nghĩ làm sao thì cách ăn ở của mình ở ngoài cũng vậy. Mình ở với nhau cũng như ở với người ta, bao giờ cũng cốt giữ lấy thật thà trung hậu chứ không có giả dối chút nào.
ĐẦU BÀI
—————
- Trí tuệ quan hệ đến luân lý là thế nào?
- Các anh giải rõ cái nghĩa tại làm sao mà khi ai đã dặn điều gì kín, mình không nên hở ra với người khác.